Chiều cuối tháng 11,àngtraibỏphốvềquêchữalànhchomẹcheckerviet Võ Phúc Tấn, 23 tuổi, chốt nhanh những đơn hàng cuối ở vựa sầu riêng thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy để về nhà vì không muốn mẹ phải đợi lâu.
Sau bữa cơm chiều, anh dựng chiếc ghế tựa ra mái hiên cho mẹ ngồi ngả đầu ra sau và bắt đầu chải tóc, bôi thuốc nhuộm cho bà. Cậu con trai đã đợi một năm để cái đầu từng bị cạo trọc của người mẹ mọc tóc trở lại, dài đến chấm vai trước khi nhuộm.
Bà Nguyễn Lý Thị Hương, 43 tuổi, nhìn mình trong gương, mỉm cười.
Khoảnh khắc bình yên này là điều một năm trước mẹ con họ không dám nghĩ là sẽ có. Phúc Tấn đi làm ở TP HCM còn bà Hương ở quê bán phở.
Cuối năm 2022, khi đang làm việc Tấn nhận được cuộc gọi của mẹ. "Tấn ơi, mẹ bị bỏng đau quá", giọng bà Hương đứt quãng bên kia đầu dây. Đứa con trai lao vội về quê, đến bệnh viện thấy mẹ đã nằm trên băng ca trắng, người loang lổ vết bỏng phồng rộp, da tróc ra từng mảng. Bình gas nổ trong lúc đang nấu ăn khiến bà Hương bị bỏng cấp độ 3, những vết bỏng chiếm hơn 60% diện tích cơ thể.
Ba đêm đầu, bà Hương thức trắng vì đau đớn. Mỗi lần thay băng, Tấn đứng cạnh để mẹ bám, bà vô thức cấu anh đến tím tay. Vết thương nhiễm trùng trở nặng, bà được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương TP HCM.
Sau khi bác sĩ thông báo phác đồ phẫu thuật ghép da, Tấn dự trù đây là một hành trình dài nên anh nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Năm năm trước, bố Tấn bỏ đi, mẹ anh một mình bươn chải với quán phở nuôi anh ăn học. Bà Hương làm vất vả nhưng không bao giờ than cực, ngại phiền con cái. Hôm đầu chuyển viện, bà khóc nói với con trai: "Xin lỗi, mẹ không muốn làm khổ con".
Hình ảnh đó bám riết lấy Tấn, thôi thúc anh xếp hết quần áo vào vali, chuyển đến bệnh viện với mẹ. Đứa con trai cũng cạo trọc đầu giống mẹ để động viên bà bước vào cuộc phẫu thuật.
Suốt bốn tháng, anh chỉ quẩn quanh phòng bệnh. Sau Tết Nguyên đán 2023 trong bệnh viện, bà Hương được về nhà.
Tấn định bụng ở nhà với mẹ vài tuần rồi trở Sài Gòn tiếp tục công việc. Một tối, anh quan sát bà Hương chầm chậm bước vào phòng ngủ. Lưng bà khom hơn, nhiều vết bỏng trên da đã thành sẹo lồi khắp cổ, tay, chân. Thi thoảng, bà vẫn giật mình trong giấc ngủ bởi ám ảnh biển lửa, Tấn biết mẹ chưa ổn.
"Tôi tự hỏi mình còn bao nhiêu thời gian bên mẹ trong đời", anh kể.
Anh quyết định bỏ phố về quê nhưng mẹ anh lại đuổi con đi. Mấy lần, bà thấy Tấn lướt mạng xã hội tỏ vẻ tiếc nuối khi bạn bè đi làm, đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Người mẹ nghĩ không thể vì mình mà làm lỡ tương lai của con. "Nó còn biết bao nhiêu dự định ở thành phố", bà nói.
Sau hai tuần không ai chịu ai, Tấn quyết định nói chuyện nghiêm túc với mẹ. Anh nhẩm tính mỗi tháng kiếm được 20 triệu nhưng đổi lại, không có thời gian dành cho mẹ.
"Con chỉ còn mình mẹ nên kiếm nhiều tiền mà không gần mẹ cũng không ý nghĩa gì", Tấn nói với bà Hương trong một buổi chiều cuối tháng 5. Cuối cùng, bà cũng xuôi.
Nhưng nhịp sống ở quê vốn không dễ chịu với chàng trai vốn đã quen với đô thị. Tấn mất vài tuần để quen nếp 21h đã đi ngủ, tờ mờ sáng dậy sớm lo cho mẹ vệ sinh cá nhân, ăn sáng.
Tấn đứng quán bán phở thay mẹ. Dù được bà Hương hướng dẫn, những ngày đầu anh vẫn đánh vật với nồi nước dùng nghi ngút khói, quạt lửa than, múc nước lèo và chạy bàn cho khách. 14h chiều khách vãn, Tấn rửa chén rồi nhặt rau, thái thịt chuẩn bị cho ngày hôm sau. Đặt lưng xuống, cơ thể rã rời, Tấn cảm tưởng mình làm nặng gấp ba lần nhưng thu nhập không bằng nửa lúc trước.
Tuy nhiên, công việc này cho phép anh có thời gian làm mẹ vui. Mỗi buổi chiều, anh chọn cho mẹ một bộ phim để cùng xem hoặc đi chợ, nấu ăn, chăm cây.
Sau tai nạn, bà Hương mặc cảm với cơ thể đầy sẹo của mình, cả ngày mang khẩu trang mặc áo dài tay. Mỗi tối, Tấn dành thời gian bôi thuốc và động viên mẹ. Bà dần cởi bỏ được mặc cảm, đã dám mặc áo ngắn tay để con trai đưa ra chợ ăn sáng.
Anh lập kênh Tik Tok để ghi lại những kỷ niệm của hai mẹ con như lần Tấn giấu mẹ mua cho bà một chiếc TV lớn hoặc khi hai mẹ con cùng thổi nến sinh nhật trong chái bếp sau nhà.
Bà Hương cũng không ngại xuất hiện trước màn hình điện thoại kể về con trai. Những đoạn video của hai mẹ con thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Một chiều cuối tháng 7, một cô gái ở cách nhà Tấn 15 km đã tìm đến tặng bà Hương một bó hồng. Họ không quen biết nhau nhưng cô gái cảm thấy xúc động trước đoạn video người mẹ cố gắng sống tích cực nhờ con trai.
"Đó là lần duy nhất sau biến cố tôi rơi nước mắt vì hạnh phúc", Tấn kể.
Anh Huỳnh Văn Hoàng Giang, 33 tuổi, là hàng xóm của mẹ con Tấn vẫn nhớ hình ảnh bà Hương cách đây nửa năm. Ai qua thăm cũng thấy xót trước người phụ nữ người đầy vết sẹo lồi và tinh thần suy sụp. Nhờ sự động viên và kề cận của con trai, bà Hương trở nên cởi mở và trò chuyện nhiều hơn.
Ba tháng trước, vì không muốn mẹ phải chạy bàn, bưng bê tính tiền phụ mình vất vả nên Tấn đã tạm ngưng quán phở. Anh xin việc ở vựa sầu riêng gần nhà với mức lương 6 triệu một tháng. Dù tiền ít, Tấn thấy cuộc sống của mình đã hạnh phúc hơn nhiều.
"Còn mẹ trên đời là điều quý giá nhất", anh nói.
Ngọc Ngân